5 THỨ "XẢY RA" KHI THƯƠNG HIỆU CÓ MASCOT

Bạn có nhớ một chú sư tử bán kem?
Cầm viên sô cô la M&M trên tay, bạn có hình dung được những chiếc mặt đầy cảm xúc của những cô cậu sô cô la?
Hoặc khi mình tả một nhân vật màu trắng, cơ thể là những hình tròn xếp chồng lên nhau, bạn có thấy quen quen? Nếu có, thử tìm từ khóa Michelin Man.

Không tự nhiên mà các thương hiệu lớn lại chọn cho mình một linh vật thương hiệu dù về mặt nhận diện, họ đã có logo. Bằng một cách nào đó, các nhân vật/linh vật này đã chiếm một chỗ trong thư viện hình ảnh của chúng ta.


Dưới góc nhìn cá nhân, mình sẽ đưa ra 5 thứ mà MASCOT có thể hỗ trợ cho thương hiệu.

  1. Đại diện phát ngôn độc quyền

    Chắc bạn đã từng nghe cụm từ ‘brand voice’ - tiếng nói thương hiệu. Mỗi nhãn hàng sẽ có một “giọng điệu” (tone&mood) riêng. Vậy ai sẽ là người phát ra tiếng nói đó. CEO? Brand Manager? Họ là người duyệt nội dung, đúng. Nhưng họ không thể đại diện để nói cho thương hiệu được.
    Mascot sẽ giúp làm chuyện đó. Một mascot được thiết kế riêng cho thương hiệu A sẽ không thể phát ngôn giùm thương hiệu B cũng sẽ không dính líu gì tới hình ảnh thương hiệu C. Linh vật này ra đời chỉ để NÓI về thương hiệu A.

  2. Ấn tượng dài sâu

    Có một bài học trong lớp mỹ thuật mình nhớ mãi. Thầy hỏi: “Các em có biết tại sao nhiều game trên điện thoại lại có icon là một cái mặt không?” Câu trả lời là vì nó thu hút người dùng. Vì là người, ta có xu hướng nhìn những gì gần với mình hơn là một cái biểu tượng đơn thuần. Thế nên khi một thương hiệu có mascot, người dùng sẽ có một hình ảnh dễ neo trong đầu hơn.

  3. Sinh động hóa

    Vì đã là một nhân vật, mascot sẽ sở hữu một cá tính rõ ràng. Khách hàng qua đó cũng sẽ cảm thấy mình đang giao tiếp với một thực thể sinh động hơn là một cái tên thương hiệu. Bạn có nhớ hồi lâu lúc ta xài Window, có một mascot trợ lý hình cái kẹp ghim có hai con mắt? Cái con mà hay bị chúng ta nghịch thử nhấp lung tung để nó biến đủ hình dạng. Lúc mình phát hiện ra con đó, tự dưng thấy cái máy tính mình sinh động hẳn.

  4. Kết nối với khách hàng

    Với các nền tảng online, mascot sẽ là người nói giúp những điều nhãn hàng muốn nói.
    Với offline, mascot có thể xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau như standee, activation, mô hình khổng lồ hoặc một bộ cosplay do người mặc. Đặc biệt nếu là nhãn hàng có tệp khách hàng là trẻ em, mascot là một điểm cộng để thu hút các bé. Lúc nhỏ, mình luôn nhớ mỗi khi kem Wall’s về trưởng tiẻu học làm chương trình, mình đã được chú sư tử Paddle Pop phát kem cho. Ở tuổi đó, mình còn không biết đó là một linh vật thương hiệu. Mình chỉ biết chỉ cần thấy bóng dáng chú sư tử, mình có kem ăn.

  5. An toàn

    Là một mascot thì câu chuyện hoàn toàn do thương hiệu xây nên. Mascot nói gì cũng là do brand manager duyệt. Mascot đi đâu là do team marketing quyết. Mascot không có đời tư cá nhân nên một cách tuyệt đối, không ai phốt được mascot.

Nói tới cũng phải nói tới nữa, mình không nghĩ vì 5 điều trên mà thương hiệu nào cũng cần mascot. Còn tùy vào ngành hàng, chiến lược marketing mà sẽ có nhiều giải pháp truyền thông khác nhau. Đây chỉ là những lợi ích mình thấy được khi những thương hiệu Monstio từng làm việc bắt đầu có mascot, viết thành một bài chia sẻ ngắn. Cảm ơn bạn đã đọc tới đây.

Tại sao lại đặt 'Monstio'?

Từ giờ, mỗi lần ai hỏi, thay vì giải thích dài, mình sẽ gửi chiếc link bài viết này.

Từ lúc cái tên Monstio bắt đầu xuất hiện trong giới giang hồ quảng cáo tới giờ cũng đã 4 năm. Tổng hợp nhiều nguồn thì mình rút ra được 3 cách phản ứng với cái tên này:
1. Monster Studio chứ gì? Thấy logo hình kiểu con quái vật đúng hôn?
2. Monsito là cái gì em? Có giống cái nước bỏ lá húng lủi vô?
3. Thì tên là tên, đâu cần có ý nghĩa!

CÓ Ý NGHĨA NHA!

Nếu bạn lười, có thể hiểu nhanh Monstio là vẽ theo phong cách hoạt hình.
Nếu bạn chưa hiểu hoặc tò mò thì mình kể bạn nghe một câu chuyện dài(vừa)

Xưa xửa năm 2018, có hai đứa bạn đồng calm cộng khổ đi qua nhiều đêm freelance. Tới một thời điểm, hai đứa bỗng cùng thắc mắc về sự nghiệp của mình.
Có tiền không? Có một chút
Có đúng đam mê không? Rất có
Vui không? Không (đồng thanh)
Sao vậy ta???

[trích đoạn tiểu phẩm]
- Ê mày, job toàn tả thực hoài vậy?
- Thì người ta yêu cầu vầy mà…
- Ừ, mà tả hoài chán quá. Với cũng không giỏi, thấy nó cứ kỳ kỳ.
- Biết sao giờ, mấy kiểu cartoon, stylize đồ tao với mày thích không có ai kêu làm hết.

Hóa ra, ngoài đam mê nghề thì còn khía cạnh đam mê phong cách. Bấy lâu nay, job toàn vẽ tả thực, người phải 8 đầu, cân đối, con mắt phải nằm ở 1/2 cái mặt. Nói túm lại, người phải ra người. Hai đứa này thích vẽ kiểu hoạt hình(toon). Người không cần phải giống người miễn nhìn ra người. Tụi nó thích chơi hình, quậy tỉ lệ. Tụi nó thích thiết kế nhân vật hoạt hình. Ủa hay là mình làm một cái studio CHỈ vẽ hoạt hình đi!

Sau 7749 lượt brainstorm, tụi nó quyết định chọn chữ TOONISM. Ý nói tụi tui thích phong cách toon này tới mức sùng bái. Tụi tui là tín đồ của Đạo Hoạt Hình. Oke, bản chất thích bóp hình mà, chữ tụi nó cũng đâu có tha. Thế là tìm cách trúc-trắc-hóa chữ Toonism, đảo tới đảo lui.


MSINOOT - MISTOON - NOMOIST - MITSOON - MOONSIT - MONOSIT - MONSITO - MONSTIO

TOONISM => MONSTIO

“Ê nghe được nè mày!"
”Ờ, thôi đại vậy đi, về khuya rồi!”

Đó là cách cái tên MONSTIO ra đời với Slogan “Whatever We Touch, We Toon!”




Nếu bạn đã đọc đến đây, mình rất trân trọng thời gian bạn dành ra và bạn có thể hoàn toàn quên luôn câu chuyện trên. Chỉ mong chữ MONSTIO còn kẹt lại trong lòng bạn như một sự trăn trở tìm đường đi trong nghề của tụi mình.

Hẹn bạn ở một bài viết khác!
Mình chia sẻ nhiều hơn về tư duy đằng sau những dự án khác.
Hứa cũng quằn cỡ cái tên.